Trước nguy cơ hoạt động sản xuất bị đình trệ do thiếu lao động trong bối cảnh các nơi đang phong tỏa và giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tìm phương án kiểm soát dịch, chuẩn bị cho phục hồi sản xuất.
Samsung là một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Bắc Ninh đang bị thiếu hụt lao động do doanh nghiệp này sử dụng phần lớn lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận, trong đó có Bắc Giang cũng là địa phương mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh, thực hiện giãn cách xã hội nhiều huyện.
Thiếu lao động do giãn cách xã hội
Một đại diện của Samsung cho biết các nhà máy của Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp đang nỗ lực để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho tất cả nhân viên, đối tác và khách hàng, đồng thời giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Bùi Hoàng Mai - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Ninh - cho biết đến nay các doanh nghiệp ở các KCN chưa phải dừng sản xuất, nhưng có tới hơn 70% lao động là người ngoài tỉnh trên tổng số 330.000 lao động đang làm việc ở hơn 1.600 doanh nghiệp, nên việc quản lý lao động để vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch là yêu cầu đặt ra.
Do đó, các doanh nghiệp đều được yêu cầu khuyến cáo với lao động ngoại tỉnh nên ở trọ và không trở lại quê, đặc biệt là vùng có dịch, thực hiện khai báo y tế thường xuyên.
Chẳng hạn, hơn 30.000 công nhân là người Bắc Giang đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Bắc Ninh như Samsung, Foxconn, Goertek... được yêu cầu không quay trở lại làm việc.
Ngoài việc thực hiện nghiêm 5K, doanh nghiệp cũng được yêu cầu thực hiện kế hoạch chống dịch nghiêm túc, có phương án chống dịch, xây dựng tổ chống dịch trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện giãn cách sản xuất, giãn cách các ca kíp.
Do phải thực hiện các biện pháp cần thiết, cấp bách để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, theo ông Mai, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
"Samsung có hơn 1.600 trưởng ca là người Bắc Giang, nên trước mắt doanh nghiệp đề nghị được tạo thuận lợi cho nhóm cán bộ này sang làm việc. Chúng tôi đang tính phương án để tiếp nhận số lao động này, với yêu cầu trước hết là những người không nằm trong địa bàn có dịch, không tiếp xúc đối tượng lây nhiễm, có kết quả âm tính lần 2 mới được vào xưởng sản xuất làm việc.
Để đảm bảo hơn, chúng tôi yêu cầu phải có xe chuyên dụng chở số lao động này về khu ký túc xá của công ty, yêu cầu nội bất xuất ngoại bất nhập, giám sát chặt chẽ việc xe di chuyển" - ông Mai cho hay.
Lo đứt gãy sản xuất, chuỗi cung ứng
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc - phó Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, do địa phương thực hiện giãn cách xã hội và dừng sản xuất với 4 KCN, nên nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
Thống kê đến nay có 330 doanh nghiệp trên tổng số 367 doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động, với số công nhân tạm thời nghỉ việc là 155.000 trong tổng số 163.000 công nhân.
"Khi khôi phục hoạt động, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong huy động đủ lực lượng
cung ứng lao động cho sản xuất. Trước đó, không riêng gì Bắc Giang mà một số địa phương khác cũng phải cách ly xã hội, lao động không đến làm việc nên số lượng thiếu hụt rất lớn.
Trước khi tạm dừng sản xuất, các doanh nghiệp đã giảm tới 50% lao động nên chúng tôi phải cùng doanh nghiệp tính phương án để khi đi vào hoạt động, xem xét bố trí lao động đang ở những vùng cách ly, giãn cách đi làm cho phù hợp" - ông Ngọc cho hay.
Cũng theo ông Ngọc, phần lớn các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời, may mặc và chế tạo máy..., việc tạm dừng hoạt động sản xuất ảnh hưởng không nhỏ đến đáp ứng linh phụ kiện cho những chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Vì vậy trước khi cho tạm dừng hoạt động, lãnh đạo tỉnh đã phải tổ chức cuộc họp trực tuyến với 25 doanh nghiệp lớn nhất trong các KCN này, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để đưa ra quyết định.
Việc tạm dừng sản xuất để đánh giá mức độ an toàn, triển khai xét nghiệm trên diện rộng, đảm bảo khi đi vào vận hành sẽ kiểm soát được dịch bệnh, nên các doanh nghiệp dù kêu khó khăn trong việc tạm dừng sản xuất cũng cơ bản chấp hành chủ trương của tỉnh.
"Trong lúc này chúng tôi tập trung công tác kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh xét nghiệm, rà soát và khử khuẩn nhà máy, xí nghiệp, chuẩn bị tốt nhất công tác tuyển dụng để khi phục hồi doanh nghiệp sẽ sản xuất ngay" - ông Ngọc nói. Đồng thời cho biết sẽ tham mưu cho tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN như vay vốn tín dụng, hỗ trợ người lao động khi làm việc trở lại.
Sử dụng Bản đồ chung sống an toàn dịch bệnh còn hạn chế
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, trước hàng loạt ca nhiễm tại nhiều KCN, việc kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Với sự hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công thương, đã có 10.781 nhà máy, cơ sở sản xuất ở 22 tỉnh thành ứng dụng Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, tổ chức tập huấn và hướng dẫn triển khai sử dụng Bản đồ.
Tuy vậy, mới chỉ có 345 đơn vị có tài khoản đã thực hiện đánh giá mức độ an toàn trên ứng dụng Bản đồ trong khi tổng số tài khoản đã cấp là 10.781. Nguyên nhân do số lượng nhà máy, cơ sở sản xuất lớn nên việc tạo tài khoản đăng nhập chậm.
Việc hỗ trợ, giải đáp thắc mắc kỹ thuật cho các sở công thương, nhà máy, cơ sở sản xuất còn chưa hiệu quả do triển khai đầu số hotline 18006132 nhưng thường xuyên không liên lạc được. Việc thực hiện đăng nhập và thường xuyên đánh giá mức độ an toàn phụ thuộc chủ yếu vào chính các nhà máy, cơ sở sản xuất và sự đôn đốc của sở công thương các địa phương.
Bộ Công thương cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng đăng ký sử dụng Bản đồ tại các doanh nghiệp ở 41 địa phương còn lại. Đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của các sở công thương trong việc đôn đốc các nhà máy, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng đăng nhập, thường xuyên đánh giá mức độ an toàn trên ứng dụng Bản đồ và cử đầu mối phối hợp hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của các đơn vị trong việc thực hiện đánh giá mức độ an toàn.
NGỌC AN Báo Tuổi Trẻ